(DHAplus) – Cảnh giác và bảo vệ trẻ trên mạng xã hội không còn là vấn đề mới mẻ. Ngày càng có nhiều trẻ em nghiện game, nghiện điện thoại thông minh, nghiện mạng xã hội, và không ít hệ lụy đau lòng cũng đã xảy ra trong thực tế.
Sức ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 khiến cho trẻ phải ở nhà nhiều hơn để phòng tránh dịch. Việc để con hạn chế ra ngoài khiến cho nhiều gia đình phụ thuộc vào công nghệ và các giải pháp số để duy trì việc học tập của các con, giải trí và kết nối với thế giới bên ngoài.
Không thể phủ nhận công dụng của Internet, các thiết bị công nghệ mang đến cơ hội học tập và giáo dục rộng mở cho trẻ em. Thế nhưng bên cạnh giá trị tích cực cũng luôn hiện hữu những mối nguy cơ có thực với trẻ em. Ngoài những ảnh hưởng đến sức khỏe như cận thị, gây nghiện…, và khi con dành nhiều thời gian trên nền tảng ảo: Nguy hiểm đến từ người lạ và nội dung không phù hợp cho trẻ.
Những rủi ro trên môi trường mạng
- Kẻ xấu nhắm đến trẻ cho mục đích xấu thông qua các phương tiện truyền thông xã hội, chơi game và nhắn tin
- Nội dung độc hại – bạo lực, thành kiến, bài ngoại, kích động tự tử và tự làm hại, thông tin sai lệch, v.v.
- Trẻ em nhất là lứa tuổi “teen” có thể chia sẻ các thông tin cá nhân và các hình ảnh hoặc video không lành mạnh trên mạng.
- Bị bắt nạt trên mạng bởi bạn bè quen và người lạ.
Trong một báo cáo khác do Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) công bố ngày 5/9/2019 cũng cho thấy có đến 21% thanh thiếu niên ở Việt Nam tham gia khảo sát thừa nhận mình là nạn nhân của hiện tượng bắt nạt trên mạng. Gần 75% thanh thiếu niên Việt Nam tham gia khảo sát không biết về các đường dây nóng hay bất cứ dịch vụ hỗ trợ nào khác nếu đối mặt với bắt nạt hoặc bạo lực trên mạng….Theo khảo sát năm 2019 của Viện nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD) và Tổ chức cứu trợ trẻ em quốc tế (Save the Children) tại Việt Nam, 66,1% trẻ em có thể tiếp cận thiết bị kết nối Internet; trong đó, 43,4% có thời gian sử dụng trung bình một ngày từ 1-3 tiếng. Trong năm 2018, Việt Nam có 706.435 vụ báo cáo về hình ảnh, video xâm hại tình dục trẻ em trên mạng, đứng thứ 2 trong ASEAN, chỉ sau Indonesia.
Những con số trên cho thấy, những tác động từ “thế giới ảo” là hoàn toàn có thật. Cảnh báo những nguy cơ rủi ro trong thế giới ảo và thế giới thực ngày càng khó phân định. Trẻ em có thể là nạn nhân, người đón nhận, người tham gia hoặc người khởi xướng các hành vi có nguy cơ bị xâm hại trên Internet.
Để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, cha mẹ hoàn toàn có thể “kiểm soát ngầm” con bằng cách hiểu rõ các tính năng của thiết bị di động, máy vi tính, cũng như trang bị các kiến thức về an toàn thông tin trên mạng như:
Tạo lập thói quen trực tuyến lành mạnh và an toàn
- Khuyến khích trẻ nhỏ hoặc trẻ lứa tuổi “teen” tham gia vào việc xây dựng các quy định trong gia đình về việc sử dụng thiết bị lành mạnh
- Tạo lập các khoảng không gian và thời gian không-có-thiết-bị trong nhà (thời gian ăn, ngủ, chơi và học)
- Hướng dẫn trẻ cách giữ kín thông tin cá nhân, đặc biệt với người lạ – một số họ có thể mang vỏ bọc khác!
- Nhắc nhở trẻ rằng những gì đăng tải lên môi trường mạng sẽ không thể thu hồi (tin nhắn, hình ảnh và video)
Dành thời gian với trẻ trên mạng
- Cùng trẻ khám phá các trang web, trang mạng xã hội, trò chơi và ứng dụng.
- Nói chuyện với trẻ đặc biệt trẻ lứa tuổi “teen” về cách báo cáo những nội dung không phù hợp.
- Cha mẹ có thể tham khảo trang “Common Sense Media” với nhiều lời khuyên hữu ích về các ứng dụng, trò chơi và giải trí phù hợp cho trẻ ở nhiều độ tuổi.
Việc giao tiếp cởi mở với con sẽ góp phần giúp trẻ an toàn
- Nói với con rằng nếu trẻ có trải nghiệm trên mạng khiến trẻ cảm thấy khó chịu, không thoải mái hoặc sợ hãi, trẻ có thể nói chuyện với bố mẹ mà không sợ bố mẹ sẽ nổi giận hay phạt trẻ.
- Hãy chú ý đến các dấu hiệu phiền muộn ở trẻ. Lưu ý nếu con có biểu hiện như thu mình, buồn bã, giữ bí mật hoặc bị ám ảnh bởi các hoạt động trực tuyến.
- Tạo mối quan hệ tin cậy và giao tiếp cởi mở với trẻ thông qua hỗ trợ và động viên tích cực.
- Lưu ý rằng mỗi đứa trẻ là duy nhất và giao tiếp theo những cách khác nhau. Bố mẹ cần điều chỉnh thông điệp phù hợp với nhu cầu và đặc điểm riêng của con mình. Ví dụ, đối với trẻ khuyết tật về khả năng học tập có thể cần các thông tin với ngôn ngữ đơn giản.
Từ những hoạt động đó, có những giải pháp để cha mẹ có thể bảo vệ con em mình. Quan trọng nhất, cha mẹ cần dành thời gian nhiều hơn cho con cái, hãy trở thành người bạn của con, để làm sao chia sẻ với con những vấn đề khó khăn sẽ gặp phải trên môi trường mạng.
Bảo vệ trẻ em khỏi những hiểm họa rình rập trên môi trường mạng đòi hỏi các cơ quan quản lý Nhà nước cần nỗ lực hơn nữa trong việc đưa ra các chính sách, lập pháp hay thiết chế có thể bảo vệ trẻ em an toàn hơn. Tăng cường các biện pháp nghiệp vụ để phát hiện sớm các vụ việc; bảo vệ bí mật cá nhân, đời sống riêng tư và các quyền khác của trẻ khi tiếp cận thông tin, tham gia các hoạt động trên môi trường mạng; có các giải pháp hỗ trợ trẻ tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng.
Môi trường mạng đã thành cuộc sống thực tế, không còn là thế giới ảo và tất cả mọi người đều cần có trách nhiệm bảo vệ trẻ em. Chính vì vậy, các bậc phụ huynh cần cảnh giác với những mối nguy hại đối với trẻ trên Internet, bảo vệ con một cách an toàn.