Trước sự thiếu hụt nghiêm trọng nhân sự ngành CNTT, gần 100 đại diện doanh nghiệp, đơn vị đào tạo phi truyền thống vừa ký cam kết hợp tác đào tạo nguồn nhân lực cho cuộc cách mạng số, tại hội thảo giáo dục trực tuyến diễn ra ngày 19/8.
Nhiều cơ hội cho công nghệ Việt Nam phát triển
Chia sẻ tại hội thảo trực tuyến “Đào tạo nhân lực cho cách mạng 4.0” được FUNiX tổ chức ngày 19/8, Chủ tịch Hội đồng quản trị Seedcom Đinh Anh Huân cho rằng, bối cảnh hiện nay đã rút ngắn và thậm chí xóa đi mọi khoảng cách giữa Việt Nam và thế giới trong việc tiếp cận cơ hội, việc làm ngành CNTT.
Các kỹ sư CNTT có thể làm việc ở bất kỳ đâu, cạnh tranh sòng phẳng với bất kỳ ai trên thế giới. Và thực tế, người làm CNTT không nhất thiết phải học ngành CNTT mà hoàn toàn có thể tự học. Tự học là nền tảng để phát triển trong lĩnh vực công nghệ.
Trong các lĩnh vực công nghệ giàu tiềm năng như mobile game, blockchain, IoT, AI…, các chuyên gia góp mặt tại hội thảo đều đánh giá Việt Nam có đủ tiềm năng và cơ hội để cạnh tranh trên thị trường thế giới, thậm chí là cái nôi cung cấp nguồn nhân sự giỏi cho thế giới.
Theo ông Huy Nguyễn, Giám đốc công nghệ của KardiaChain, Việt Nam đang đứng trước vận hội lớn với blockchain khi ở cùng vạch xuất phát về công nghệ này với thế giới, có được sự quan tâm của toàn xã hội và hành lang pháp lý tốt.
Ông Vũ Hồng Chiên, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo Quy Nhơn (QAI), FPT Software lạc quan về tiềm năng ngành trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam: “Chúng tôi hướng tới đưa Quy Nhơn thành thung lũng AI của thế giới vào năm 2025”.
Ở lĩnh vực IoT, ông Nguyễn Đức Tài, CEO Lumi Việt Nam tin tưởng sản phẩm IoT Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực nhà thông minh có thể cạnh tranh với những doanh nghiệp mạnh từ Trung Quốc.
Cung cấp góc nhìn ở lĩnh vực game, ông Phạm Quân, CEO Onesoft khẳng định Việt Nam có vị trí nhất định trong ngành lập trình game. Năm 2021, Việt Nam đã có những game studio thuộc top 15 studio toàn cầu, sánh ngang với những tên tuổi như Microsoft, Facebook… Trong 10 game studio đứng đầu ASEAN và Thái Bình Dương thì có 5 game studio là của người Việt.